HƯỚNG DẪN TINH CHỈNH VẬN HÀNH HỆ THỐNG LỌC NƯỚC

Khi chạy hệ thống RO lên lần đầu, các thông số sẽ không giống như thiết kế, nên chất lượng nước sẽ không đạt yêu cầu. Do đó, đòi hỏi người vận hành hệ thống lọc thẩm thấu ngược màng RO phải biết tinh chỉnh bơm, van,…để đạt được các thông số như yêu cầu.

Trước hết, chúng ta cần đảm bảo nước đầu vô hệ thống RO đã đạt yêu cầu SDI nhỏ hơn 5, nồng độ Clo nhỏ hơn 0.1 mg/l.

Tiếp theo, chúng ta chỉnh lưu lượng nước đầu vô hệ thống lọc thẩm thấu ngược màng RO. Bước này thì khi chúng ta chọn bơm, chúng ta đã chọn bơm có đúng lưu lượng và áp suất yêu cầu. Tuy nhiên, thường thực tế lúc chạy hệ thống lên, bơm thường cung cấp một lưu lượng dư so với thiết kế. Để chỉnh giảm lưu lượng đạt như thiết kế, nếu hệ thống có lắp biến tần cho bơm thì chúng ta điều chỉnh giảm biến tần. Hoặc nếu hệ thống không lắp biến tần thì chúng ta bóp van để giảm lưu lượng. Trong quá trình điều chỉnh lưu lượng, chúng ta để ý đến áp suất đầu vào, phải chắc rằng áp suất đầu vào đạt yêu cầu như thông số màng RO yêu cầu.

Sau khi nước đầu vào đã đạt lưu lượng, chúng ta kiểm tra đến lưu lượng dòng sản phẩm và dòng thải bỏ. Chúng ta dựa vào thiết kế để chỉnh. Ví dụ như, ngay từ đầu thiết kế, chúng ta xác định là tỉ lệ dòng recovery là 75%, thì chúng ta chỉnh lưu lượng dòng reject chiếm 25% lưu lượng nước đầu vào. Việc chỉnh dòng reject rất quan trọng, vì nó làm ảnh hưởng đến các thông số khác như tỉ lệ muối đi qua màng, chất lượng dòng sản phẩm, lượng nước thải bỏ…và cả khả năng bám muối trên màng.

Tiếp theo, chúng ta kiểm tra đến thông số chất lượng nước pH, độ dẫn điện của dòng sản phẩm đầu ra. pH của nước đầu vào hệ thống lọc thẩm thấu ngược RO sẽ có ảnh hưởng đến giá trị độ dẫn điện của dòng sản phẩm nước đầu ra. Trong bài sau mình sẽ giải thích hiện tượng này và hướng dẫn làm sao để tinh chỉnh pH để có nước đầu ra có độ dẫn điện thấp.

Khởi động hệ thống lọc RO
Khởi động hệ thống RO

Bước tiếp theo là tính hiệu suất xử lý muối (đã trình bày ở bài 28). Các bạn đo dòng vào và dòng sản phẩm xem thử kết quả có đúng như màng cho phép không. Nếu không đạt như màng cho phép thì liên hệ với nhà cung cấp màng để được hỗ trợ. Ví dụ như màng RO bạn mua cho phép loại bỏ 99.5% muối, bạn tính ra chỉ có 80% thì có thể lúc lắp đặt bị hở ron đâu đó hoặc màng có vấn đề gì đó.

Bước tiếp theo là đánh giá các chất hòa tan trong nước có đi theo dòng thải bỏ để ra ngoài hay không, hay là bị bám lên trên màng, từ đó điều chỉnh antiscalant bằng cách như sau. Đầu tiên, các bạn tính tỉ lệ muối trong dòng thải bỏ (đã trình bày ở bài 28). Sau đó lấy bút đo TDS đo lại TDS trong dòng reject để xem kết quả có đúng với tính toán không. Nếu đúng thì được. Nếu không đúng thì sẽ có hai khả năng xảy ra. Một là muối đi qua màng, chúng ta xem chất lượng dòng sản phẩm để đánh giá giả định này. Nếu điện dẫn nước thành phẩm thấp thì chúng ta loại bỏ giả định này. Như vậy khả năng thứ hai xảy ra, là các ion hòa tan đã bám trên màng, chúng ta cần tăng nồng độ antiscalant và tiếp tục theo dõi.

Cuối cùng chúng ta đánh dấu lại mức đồng hồ áp suất và lưu lượng đang chỉ giá trị bao nhiêu. Mục đích của bước này là để chúng ta theo dõi, khi lưu lượng giảm đi 10% hoặc chênh áp tăng lên 15% thì chúng ta tiến hành súc rửa màng. Nên ghi lại các giá trị thông số nước đầu vào, đầu ra để sau này làm cơ sở so sánh, biết được xu hướng màng RO của mình như thế nào, đã đến lúc cần làm rửa màng hay chưa.

Tham khảo trang https://aquatekco.edubit.vn/ để học các khóa học về thiết kế, lựa chọn thiết bị, lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống xử lý nước nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!
Contact Me on Zalo