Sau nhiều năm đi làm ở công việc quản lý các hệ thống xử lý nước và phỏng vấn rất nhiều bạn để vận hành, bảo trì hệ thống, mình nhận thấy một điều rằng các bạn làm trong mảng này rất yếu về kiến thức điện. Tuy nhiên, nhu cầu để một bạn kỹ thuật viên, kỹ sư biết về điện trong các công việc vận hành và bảo trì là rất cao.
Mình nói biết về điện ở đây nghĩa là am hiểu hệ thống điện động lực và điều khiển của hệ thống xử lý nước nó vận hành như thế nào, rồi sự cố về điện thì phải biết xử lý ra làm sao. Hiện tại, mình đang thấy nhiều nơi tuyển một bạn kỹ sư quản lý HT xử lý nước thì không biết về điện, do đó phải tuyển một bạn chuyên biệt có background về điện để lo mảng này. Nhưng tuyển một bạn lo về điện trong hệ thống nước thì lại không có kiến thức về xử lý nước. Do đó, một bạn có background về xử lý nước nhưng biết về điện sẽ là một lợi thế. Vì chỉ khi bạn là một người sở hữu nhiều kỹ năng, mang lại nhiều giá trị thì bạn mới có cơ hội thăng tiến. Hoặc bạn đi làm chủ thì cũng tương tự như vậy, có nhiều món nghề thì bạn mới giải quyết tốt vấn đề của khách hàng, lúc đó bạn mới được trả công cao.
Theo mình nghĩ, các chương trình đào tạo về kỹ thuật môi trường ở các trường đại học nên có một học phần về môn này để tạo nền tảng cho các bạn sau khi ra trường, dù có chọn con đường thiết kế, thi công, tư vấn lắp đặt hay vận hành, bảo trì đều nên biết về kỹ thuật điện này.
Sự cố về điện trong hệ thống xử lý nước sẽ muôn hình muôn vẻ, một bài viết không thể nào trình bày hết. Do đó, ở đây mình sẽ hướng dẫn một số bước để tạo nền tảng về những kiến thức về điện, khi có kiến thức nền tảng rồi thì bạn sẽ hiểu được nguyên lý để đi tìm, giải quyết được các sự cố về điện trong vận hành và bảo trì hệ thống xử lý nước được tốt hơn. Đây đều không phải là các kiến thức lý thuyết mà là những kiến thức thực tế mình góp nhặt được trong quá trình đi làm.
Đầu tiên các bạn nên biết về khí cụ điện, việc hiểu các khí cụ điện sẽ giúp các bạn trong các vấn đề sau. Thứ nhất là đọc hiểu bản vẽ điện, đọc hiểu bản vẽ điện sẽ giúp các bạn biết được đường điện trong tủ đi như thế nào, đi từ đâu đến đâu, qua những cái gì,…Thứ hai là hiểu các khí cụ điện sẽ giúp bạn phán đoán được sự cố xảy ra ở vị trí nào nhanh hơn.
Mình ví dụ như, bơm nó bị trip, bạn ra tủ điện thì thấy con RCCB bị nhảy. Nếu bạn hiểu chức năng con RCCB sẽ nhảy khi có dòng rò thì bạn sẽ biết là bơm hoặc dây dẫn rò ở đâu đó và bạn tập trung vào đó để điều tra tiếp thì sẽ nhanh hơn. Nếu bạn không biết thì bạn sẽ không nhận ra là mình nên bắt đầu từ đâu. Các bạn nên nắm rõ chức năng của các khí cụ như: Cầu chì, CB, MCB, RCCB, RCBO, relay nhiệt, relay kiến, khởi động từ,…Hiểu sâu hơn tí nữa là khởi động sao, tam giác, VFD, mô tơ,…Thứ ba, hiểu được các khí cụ điện sẽ giúp bạn làm việc an toàn hơn, biết cô lập tắt và khóa loto vị trí nào, hiểu được làm như thế nào sẽ không bị điện giật.
Tiếp theo là hiểu về nguyên lý hoạt động của mạng điện động lực và mạng điện điều khiển cấp cho hệ thống xử lý nước của bạn. Phải nắm được điện cấp từ đâu xuống, từ tủ nào đến tủ nào, từ tủ nào đến thiết bị nào. Về điện điều khiển thì các bạn cũng phải nắm là các thiết bị đo, thiết bị cảm biến trong hệ thống phối hợp làm việc như thế nào.
Mình ví dụ như khi hệ thống châm hóa chất để trung hòa pH bị lỗi nhiều khi vấn đề không phải đến từ bơm mà là từ cảm biến đo pH lấy tín hiệu về sai nên bơm phản hồi sai, hoặc nhiều khi chế độ cài đặt trên chương trình PLC không đúng. Bạn đọc lại bài 18 của mình để hiểu hơn về cái này nhé.
Thứ ba là tìm hiểu về nguyên lý làm việc của các thiết bị đo cơ bản trong hệ thống xử lý nước như công tắc áp suất, công tắc mực nước làm việc như thế nào. Nguyên lý đo của các loại đồng hồ lưu lượng, các cảm biến online, van điện từ, van khí nén actuator,… Càng hiểu nguyên lý làm việc của thiết bị thì khi sự cố xảy ra, bạn nhận biết, điều tra nguyên nhân và khắc phục càng nhanh.
Thứ tư là bạn phải biết dùng được các thiết bị đo điện như Vôn kế (VOM), Ampe kế,…Phải dùng được các thiết bị đo này thì sẽ giúp các bạn đo kiểm mạch điện, động cơ và tìm ra sự cố nhanh hơn. Ví dụ như bạn phải biết đo thông mạch bằng VOM để kiểm tra xem mạch bị hở ở điểm nào, phép đo này thường áp dụng để kiểm tra cầu chì bị đứt chẳng hạn,… Hoặc dùng ampe kế để đo kiểm phát hiện bơm lỗi vì quá tải chẳng hạn.
Những ý trên là những kiến thức, kỹ năng đơn giản mà một người vận hành hệ thống xử lý nước phải biết và làm được. Bạn nào thấy mình còn thiếu những cái này thì tranh thủ đi học nhé. Sài gòn này là nơi tuyệt vời nhất, muốn học gì cũng có.
Tham khảo trang https://aquatekco.edubit.vn/ để học các khóa học về thiết kế, lựa chọn thiết bị, lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống xử lý nước nhé.