HƯỚNG DẪN VẬN HÀNH CỘT LỌC NƯỚC

Chào các bạn, trong những bài trước mình đã hướng dẫn các bạn cách thiết kế và bố trí vật liệu lọc trong cột lọc đa vật liệu để xử lý nước trước hệ thống lọc thẩm thấu ngược RO. Trong bài này, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách vận hành cột lọc đa vật liệu như thế nào để hiệu quả nhé.

Đầu tiên, chúng ta cần đặt câu hỏi, làm sao để biết cột lọc đa vật liệu của chúng ta vận hành hiệu quả. Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần biết thông số chất lượng nước đầu vào và đầu ra của cột lọc đa vật liệu. Chúng ta biết rằng chức năng chính của cột lọc đa vật liệu là loại bỏ các hạt cặn không tan lơ lửng trong nước như bùn, đất sét, mạt đá,…, do đó nếu có thể định kỳ chúng ta nên kiểm tra thông số TSS đầu vào và đầu ra cột lọc đa vật liệu để đánh giá hiệu quả lọc.

Hệ thống lọc nước
Hệ thống lọc nước

Thông số TSS thì phải test bằng phòng thí nghiệm nên cũng hơi bất tiện, nếu các bạn không có điều kiện thì dùng thiết bị lấy mẫu SDI để kiểm tra nước đầu vào và đầu ra để đánh giá chất lượng nước sau cột lọc đa vật liệu nhé. SDI (Silt density index) là chỉ số mật độ bùn, đặc trưng cho các tạp chất như đất sét, hạt keo, chất hữu cơ, ấu trùng, động vật phù du, tảo và các vi sinh vật lửng trong nước,… Yêu cầu là sau cột lọc đa vật liệu, SDI ít nhất phải nhỏ hơn 5 (Hoặc 4, hoặc 3 tùy yêu cầu màng RO).


SDI cao thì nhanh làm tắt màng. Do đó, để kéo dài thời gian màng bị cáu cặn, giảm tần suất làm CIP, chúng ta phải chạy tăng dòng thải bỏ của hệ RO, khi đó sẽ dẫn đến hao phí nước và năng lượng. Nên tốt nhất là ở bước tiền xử lý, TSS phải được loại bỏ để SDI thấp. Ở những bài sau mình sẽ hướng dẫn cách lấy SDI như thế nào.

Khi nào thì tái sinh cột làm mềm nước
Cột lọc và cột làm mềm nước

Vấn đề thứ ba, chúng ta cần quan tâm khi vận hành cột lọc đa vật liệu là độ chênh áp suất của dòng nước đầu vào và đầu ra cột lọc. Chúng ta tính độ tăng áp bằng cách lấy áp suất đầu vào cột lọc của dòng nước trừ áp suất đầu ra. Sau một thời gian vận hành, các tạp chất, cáu cặn trong dòng nước đầu vào bị giữ lại giữa các hạt vật liệu lọc, làm cho các rãnh này bị bít lại và kết quả là dòng nước khó đi qua hơn.

Chúng ta có thể biết được hiện tượng này bằng cách để ý áp suất dòng nước đầu ra của cột lọc bị giảm, trong khi áp suất đầu vào cột lọc của dòng nước lại tăng lên, và kết quả là chúng ta tính ra thấy độ chênh áp suất tăng lên. Khi độ chênh áp tăng lên 5-10 psi thì chúng ta nên tiến hành rửa ngược. Mình không viết quy trình rửa ngược vào đây vì bài sẽ dài, bạn nào cần thì để lại email bên dưới phần comment, mình sẽ gửi quy trình rửa ngược cột lọc đa vật liệu cho nhé.

Vấn đề thứ tư khi vận hành cột lọc đa vật liệu chúng ta cần lưu ý là để tăng hiệu quả lọc của cột lọc, ở nước đầu vô chúng ta nên sử dụng hóa chất polymer để các tạp chất không tan lơ lửng trong nước kết bông lại với nhau, tăng kích thước của chúng và dễ bị loại bỏ bởi lớp cát lọc trong bồn vật liệu lọc hơn. Các bạn xem bài 38 để biết hướng dẫn châm polymer như thế nào nhé.

Cột lọc đa vật liệu

Vấn đề thứ năm khi vận hành cột lọc đa vật liệu cần quan tâm là khi chúng ta không thấy độ tăng áp của cột lọc tăng lên, lưu lượng nước qua cột lọc cũng không bị giảm nhưng chất lượng nước sau cột lọc có SDI cao. Khi so sánh với SDI của nước đầu vào cột lọc đa vật liệu ta thấy hai kết quả này gần giống nhau. Đó là khi vật liệu lọc trong cột lọc đa vật liệu đã tạo thành các rãnh để nước mang các hạt cặn đi qua, cặn không bị giữ lại vì các rãnh này lớn.

Điều này xảy ra là vì chu kỳ rửa ngược của bạn quá lâu hoặc khi chúng ta rửa ngược, lớp vật liệu lọc đã không giãn nở ra. Lý do chúng không bung lên là vì, rửa ngược không đủ áp, hoặc chúng ta đã châm quá nhiều polymer làm các hạt vật liệu lọc vón cục lại với nhau. Vì vậy, thông thường chúng ta nên rửa ngược ít nhất là 1 lần/tuần, để ý lượng polymer châm vào và khi rửa ngược thấy được lớp vật liệu lọc bung ra thông qua cửa sổ kính trên thân bồn lọc.

Để vật liệu lọc bung ra lúc chọn thiết kế cột lọc, mình đã tính chiều cao khoảng không bên trên phải bằng ít nhất 40% chiều cao cột lọc. Nếu các bạn quan sát khi rửa ngược nhưng không thấy lớp vật liệu lọc giãn ra thì là lúc các bạn nên dùng khí để sục từ bên dưới, tạo cột áp đẩy vật liệu lọc giãn nở ra. Mình thấy các hệ thống nhỏ, khi các bạn súc rửa vật liệu bằng cách dùng tay rửa vật liệu lọc, như vậy là làm không chuyên nghiệp. Lúc thiết kế chọn cột lọc phải làm sao để có thể súc rửa bằng cách như trên được. Một vấ đề nữa là lúc thiết kế, phải chọn bơm rửa ngược đủ áp và lưu lượng.

Vấn đề thứ sáu mình hay quan sát thấy đó là sau một thời gian vận hành, vật liệu lọc trong cột lọc trôi đi. Lý do là ống thu nước bị bể làm khi rửa ngược, vật liệu lọc trôi theo dòng nước rửa ngược mà người vận hành không biết. Để phòng ngừa, khi lắp đặt, các bạn nên lắp một đoạn ống trong (PVC trong suốt) có thể nhìn thấy được bên trong, để khi rửa ngược, chúng ta thấy nước rửa ngược có đen không để theo dõi hiệu quả lọc. Ngoài ra, còn là theo dõi vật liệu lọc có bị trôi đi không.

Tham khảo trang https://aquatekco.edubit.vn/ để học các khóa học về thiết kế, lựa chọn thiết bị, lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống xử lý nước nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!
Contact Me on Zalo